Dịch vụ nào được nới lỏng sau ngày cách ly 22/4?
Dịch vụ nào được nới lỏng sau ngày cách ly 22/4?
Sau 5 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, người dân càng tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam đã phát huy hiệu quả. Từ đó, mọi người mong chờ các hoạt động kinh tế, xã hội từng bước được nới lỏng để trở lại nhịp sống bình thường.
Đặc biệt, sự chờ đợi càng háo hức khi trong cuộc họp hôm 20.4, cả Hà Nội và TP.HCM cùng kiến nghị Chính phủ cho nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày mai (22.4).
Nới lỏng nhưng không mở hoàn toàn
Tối 21.4, nguồn tin từ UBND TP.Hà Nội cho biết hôm nay lãnh đạo TP sẽ cho ý kiến về dự thảo chỉ thị/quyết định về giãn cách xã hội thực hiện sau thời điểm 22.4, nếu Thủ tướng quyết định đồng ý cho Hà Nội và TP.HCM ra khỏi nhóm nguy cơ cao (thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ) và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao cho Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Y tế soạn thảo văn bản này theo hướng dễ thực hiện nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Cũng theo ông Chung, Hà Nội sẽ nới lỏng nhưng không mở hoàn toàn. Có thể chắc chắn Hà Nội sẽ không dỡ hết các yêu cầu phong tỏa khu vực ổ dịch như thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, H.Mê Linh) hay thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, H.Thường Tín); các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, massage, quán bar… cũng chưa được mở cửa trở lại và người dân vẫn sẽ tiếp tục bị phạt khi không đeo khẩu trang ra nơi công cộng. Tuy nhiên, mức độ mở của các hoạt động kinh doanh còn lại ra sao vẫn còn phải chờ quyết định cuối cùng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.
Tại Đà Nẵng, ngày 21.4 UBND TP đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành, trong đó có bàn về các hoạt động kinh tế, xã hội trong trường hợp được “nới lỏng” các biện pháp cách ly xã hội. Một trong những yêu cầu được lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng nhấn mạnh là công chức, viên chức bộ máy hành chính trở lại làm việc bình thường trong điều kiện phải đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch Covid-19; tập trung giải quyết công việc vì thời gian qua đã có sự chậm trễ do dịch bệnh.
Trong khi đó, lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết hiện TP đang chờ Chính phủ đồng ý chấp nhận cho giảm giãn cách xã hội và xem xét tình hình dịch bệnh cụ thể để có phương án đưa đời sống xã hội trở lại bình thường. Dự kiến cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều nay (22.4) mới quyết định phương án cho các ngày tới. Hiện TP.HCM đang giao các sở, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí ở nhiều lĩnh vực để có thể sống chung an toàn với Covid-19 sau khi công bố hết thời gian giãn cách.
Tại Thanh Hóa, sau khi được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, địa phương này vẫn yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30.4. Tuy nhiên, đến ngày 19.4, Thanh Hóa đã quyết định cho học sinh, sinh viên đi học từ 21.4; vận chuyển hành khách nội tỉnh và dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động từ ngày 20.4…
Nên cân nhắc cả các dịch vụ không thiết yếu
Trong khi đang tính toán để “mở” dần các biện pháp chống dịch, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vẫn đặc biệt lưu ý bài học của Singapore. Khi dịch mới xuất hiện, đảo quốc này từng được coi là hình mẫu của thế giới khi có thể giảm các ca bệnh rất hiệu quả mà không cần áp đặt các biện pháp giới hạn quá lớn lên các hoạt động xã hội; nhưng hôm 20.4 đã ghi nhận mức tăng ca bệnh kỷ lục hơn 1.400 người và hôm 21.4 là hơn 1.100 người, đưa tổng số ca bệnh của họ lên mức hơn 9.000, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Diễn biến mới khiến Thủ tướng Lý Hiển Long phải quyết định kéo dài giãn cách xã hội đến 1.6, vì số ca bệnh được phát hiện ở cộng đồng vẫn tăng. “Singapore đã làm đúng hầu hết mọi việc”, theo đánh giá của tờ New York Times, trừ một việc là đã thiếu chú ý đến các khu lưu trú của lao động nhập cư, nơi mật độ người sống rất đông và chia sẻ nhiều không gian chung như bếp, khu vệ sinh… Tuyệt đại đa số các ca bệnh mới đều được phát hiện ở khu vực này, hầu hết đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Về bài học của Singapore, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, cho rằng là điều Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, cần lưu ý. Các khu nhà trọ, chung cư cũ hoặc nhà ở xã hội, khu tập trung đông người nhập cư cần được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng không vì sau 22.4, khi nới lỏng giãn cách xã hội thì nên cân nhắc mở cửa cả các dịch vụ không thiết yếu, trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên (để người dân tập thể dục), phòng gym… nhưng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách như nhà hàng phải phục vụ cách bàn, vệ sinh khử khuẩn ngay sau khi khách rời đi; mỗi cửa hàng chỉ được tiếp tối đa 2 khách ở cùng thời điểm hoặc tối đa 1 khách/50 m2 sàn… Tất nhiên, các quy định về đeo khẩu trang vẫn tiếp tục được duy trì.
Theo tiến sĩ Bruce Aylward, Trợ lý Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong việc đẩy lùi đại dịch cần có sự kiên nhẫn và hợp tác của tất cả mọi người, bởi chỉ có cách đó mới góp phần làm giảm đà lây nhiễm và kéo con số ca bệnh xuống đến mức kiểm soát. Trong lúc đợi vắc xin – nhiều người cho là giải pháp duy nhất, thì mỗi người dân càng có ý thức bảo vệ chính mình bao nhiêu càng sớm giúp xã hội quay trở lại bình thường (hay còn gọi là trạng thái “bình thường mới”) bấy nhiêu.
Theo: Báo Thanh Niên